Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

BỘ ĐỘI BIỆT PHÁI, NHỮNG NGƯỜI CON ƯU TÚ



Việc đào tạo cán bộ quân đội là 1 vấn đề then chốt của Bộ quốc phòng trong chiến lược gìn giữ và phát triển đất nước. 
Từ khi mới thành lập lực lượng Việt minh, Bác Hồ đã chú trọng việc đào tạo cán bộ cho quân đội. Nhiều đoàn cán bộ đã được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
Với chức năng và nhiệm vụ ngày càng phát triển, tháng 8 năm 1971, Bộ quốc phòng đã thành lập Đoàn 871, trực thuộc Tổng cục chính trị với nhiệm vụ quản lý những quân nhân được Bộ quốc phòng gửi đi học ở nước ngoài và các trường đại học trong nước. 
Sau chiến tranh, Quân uỷ trung ương nhận thấy cần phải xây dựng lực lượng nòng cốt từ Bộ quốc phòng để xây dựng đất nước. Chiến lược lựa chọn những những cán bộ xuất sắc trong chiến đấu, trong công tác, những học sinh phổ thông ưu tú để gửi ra học các trường Đại học dân sự và sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ hiệu quả cho quân đội đã được hình thành. Đó chính là kế hoạch: BỘ ĐỘI BIỆT PHÁI
Đồng chí Hoàng Văn Thái, khi ấy là thượng tướng, thứ trưởng BQP, Phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất, Uỷ viên thường vụ Đảng uỷ quân sự trung ương, trực tiếp chỉ đạo. Câu nói nổi tiếng của ông còn âm vang đến bây giờ là: Nhân dân đã trao tặng cho chúng ta những người con ưu tú đi chiến đấu, chúng ta phải đào tạo cho nhân dân những người con ưu tú để xây dựng đất nước.
Đồng chí Đặng Vũ Hiệp, khi ấy là đại tá, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị nhận nhiệm vụ và giao cho Đ/c Lê Đình Số ( khi ấy là đại tá, cục trưởng cục cán bộ) thực hiện. Các đ/c Lê Mạnh Khách, Lê Khắc Thành, Nguyễn Trọng Điều là những người trực tiếp thực hiện. (đ/c Nguyễn Trọng Điều sau này được Đảng và nhà nước bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ nội vụ)
. 
Triển khai kế hoạch: BỘ ĐỘI BIỆT PHÁI, năm 1977, Bộ quốc phòng đã làm việc với Bộ giáo dục, Bộ công an để gửi một số lượng lớn quân số của Bộ biệt phái ra học các trường đại học bên ngoài. Khó khăn đã xuất hiện, khi ấy do cơ sở vật chất của các trường đại học rất kém. Trường, lớp và ngay cả giáo viên cũng không đáp ứng được chính nhu cầu của Bộ giáo dục. Với quyết tâm rất cao, Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Đại tá Đặng Vũ Hiệp đã chỉ đạo: Giao cho các quân, binh chủng, các Tổng cục quản lý, bảo đảm ăn, ở cho học viên… và Thượng tướng Hoàng Văn Thái nói: Dù phải làm nhà cho BỘ ĐỘI BIỆT PHÁI ở cũng phải làm ( trên thực tế sau này BỘ ĐỘI BIỆT PHÁI ở Đại học Kinh tế quốc dân không ở đơn vị, không ở trong trường mà BQP đã làm nhà ở cho học viên)... 
Bộ quốc phòng cho tăng cường xây dựng và nâng cấp các trường văn hoá ở các quân chủng, quân khu để bổ sung và nâng cấp trình độ văn hoá cho cán bộ chiến sỹ đồng thời tuyển chọn những cá nhân có bản lĩnh trong chiến đấu, có kết quả học tập tốt để đào tạo cho thi Đại học và gửi ra trường Đại học bên ngoài.
Đồng thời, cục cán bộ cùng phòng cán bộ của trường Đại học kỹ thuật quân sự cử người về các trường phổ thông lựa chọn và lên danh sách những học sinh ưu tú, có học lực 3 năm là học sinh tiến tiến trở lên, có đạo đức hạnh kiểm tốt,lý lịch tốt, sức khoẻ tốt, định hướng cho các em. Sau khi thi đỗ các trường đại học, Bộ quốc phòng ra quyết định nhập ngũ và được gửi vào các trường đại học mà các em thi đỗ.
Và năm 1977 là năm đầu tiên Bộ quốc phòng tuyển chọn học sinh phổ thông gửi học tại các trường đại học bên ngoài. Đã có 543 học sinh phổ thông ưu tú và gần 200 cán bộ, chiến sỹ xuất sắc từ chiến trường trở về thi đỗ đại học và được Bộ quốc phòng tuyển chọn là BỘ ĐỘI BIỆT PHÁI vào hơn 20 trường Đại học ngoài quân đội. Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Đại tá Đặng Vũ Hiệp và Lãnh đạo BQP đánh giá: Đây là lực lượng tinh hoa nhất được tuyển chọn và sẽ là lực lượng ưu tú của quân đội và nước nhà sau này…
Ngày nhập ngũ là ngày 12/10/1977
Địa điểm nhập ngũ: Gia Thuỵ, Gia Lâm, Hà nội
Ngày 15/10/1977 tại sân kho của xã Gia thuỵ, những cậu bé lứa tuổi từ 16-18 vui mừng nhận quân phục và sung sướng sờ trên cổ áo đôi quân hàm nỉ đỏ tươi có 1 ngôi sao…: Mình đã thành bộ đội.
Ngày 16/10/1977 Các quân chủng, binh đoàn, Tổng cục… cho xe đón tân binh mới về đơn vị, sau đó là những lính cũ từ chiến trường nhập về đơn vị muộn hơn vài ngày…
Mô hình quản lý: Lấy ví dụ BỘ ĐỘI BIỆT PHÁI đại học Tổng hợp Hà nội: Các khoa, Toán, Triết, Sử gồm 47 người trong đó có 33 linh trẻ ( Hoc sinh phổ thông) và 16 lính già ( lính từ chiến trường về) được phân về Quân chủng Phòng không. Quân chủng PK giao cho Tiểu đoàn văn hoá D3, thuộc Cục chính trị quản lý. Tiểu đoàn thành lập Đại đội sinh viên và giao cho Trung uý Hồ phụ trách. Năm thứ 2 nhận thấy Học viên đã trưởng thành nên D3 giao cho Đại đội sinh viên tự quản, Trung uý Vân là học viên khoa Triết nhận nhiệm vụ Đại đội trưởng thay cho cán bộ chuyên trách Trung uý Hồ.
Ngày ngày, buổi sáng, học viên đi bộ 4 km vào Đại học tổng hợp học. Sau này gia đình học viên cho xe đạp nên việc đi lại đỡ vất vả hơn. Buổi chiều học viên tự học và sinh hoạt như bộ đội, chỉ có điều thời gian thức khuya hơn, tự do hơn 1 chút…
Sau khi ra trường, Học viên được phân công về các đơn vị, chủ yếu các đơn vị quản lý sự dụng…
Hôm nay, 40 năm đã trôi qua, gần 200 BỘ ĐỘI BIỆT PHÁI từ 18 trường hội tụ, mừng mừng, tủi tủi, người mất, người còn, nhìn những mái tóc đã bạc, gương mặt đã già mà xúc động mà xót xa.
Đã có 15 đ/c được phong quân hàm cấp tướng, 1 trung tướng. 1 đ/c là UVTU Đảng, Bộ trưởng. 1 đ/c là Thiếu tướng, anh hùng lao động, hơn 10 người là Phó giáo sư, tiến sỹ và hơn 60 người là Tiến sỹ, thạc sỹ. 60 % quân số theo đuổi con đường binh nghiệp tới khi về hưu, số còn lại ra ngoài làm doanh nghiệp, thầy giáo, công chức
Và điều đáng mừng là ai cũng trưởng thành.
Lời phát biểu của đ/c Nguyễn Trọng Điều, nguyên thứ trưởng Bộ nội vụ thật xúc động: 
Các đ/c là lớp người ưu tú nhất được BQP tuyển chọn lúc đó.
Và quả thật, mỗi người đã đóng góp sức mình cho quân đội, cho Đảng và nhà nước.
Xin kính chúc các anh mạnh khoẻ, mãi mãi là đồng đội, mài mãi là những người con ưu tú như điều Đại tướng Hoàng Văn Thái mong muốn… 
( Ảnh Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Trưởng ban liên lạc Bộ đội biệt phái khoá 1977 cùng Nguyên Thứ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Trọng Điều trong ngày gặp mặt)

HN Ngày 18/12/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét